Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh mới nhằm quản lý tốt nhất công tác phòng, chống dịch COVID-19

          Sáng 29/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về phần mềm quản lý nhập cảnh mới nhằm quản lý tốt nhất công tác phòng chống dịch COVID-19. Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Y tế, TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ và ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Trụ sở Bộ Y tế); Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục,Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

          Tại điểm cầu của 63 Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của Sở Y tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế của các tỉnh, thành phố; Ban quản lý các cảng hàng không, cửa khẩu, đường thuỷ tại các địa phương, Bộ phận Công nghệ thông tin của Công an các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan.

TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

          Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS.Hà Anh Đức cho biết quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới đây.

          Từ tháng 3/2020, phần mềm quản lý nhập cảnh đã được triển khai. Đến nay đã có 4 buổi đào tạo. Sau khi Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế ban hành quy trình mới nhất về kiểm soát người nhập cảnh, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Viettel đã điều chỉnh hệ thống tờ khai y tế phù hợp với các đối tượng là người nhập cảnh, công an xã, cửa khẩu, đơn vị y tế các tuyến, cơ sở cách ly và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố.

          Phần mềm quản lý nhập cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản lý người nhập cảnh, từ khi khai báo y tế cho đến khi cách ly tại nơi cư trú hoặc xuất cảnh. Phần mềm không chỉ tăng cường theo dõi các đối tượng cách ly, phân công cho lực lượng công an giám sát mà còn kiểm tra ngẫu nhiên đối tượng cách ly bằng hệ thống gọi điện tự động. Ngay từ khi mới triển khai, phần mềm đã được tích hợp mã QR CODE. Mã QR CODE sẽ tự động chuyển tới tờ khai y tế của mỗi người dân, được dán tại cửa ra vào lên máy bay của các cụm cảng hàng không quốc tế tại các nước để hành khách dễ nhận biết, nhân viên y tế có thể quét mã để lấy thông tin về tờ khai y tế của hành khách.

          Trước đây, tại các khách sạn hầu hết mã QR CODE đều do nhân viên quét để đánh dấu hành khách đã lưu trú. Tuy nhiên, với phiên bản mới của phần mềm quản lý nhập cảnh, hành khách hoàn toàn có thể chủ động quét mã để xác nhận đã lưu trú ở khách sạn, quản lý thông tin cá nhân.

          Về vấn đề quản lý kết quả xét nghiệm, được biết, khi đã có kết quả xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ có 2 cách để cập nhật lên hệ thống, đó là scan mã phiếu hoặc quét mã QR CODE.

Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

          Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo quy trình nhập cảnh và giám sát cách ly y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đang trong quá trình hoàn tất trước khi ký ban hành. Quy trình này được tập hợp, bổ sung từ các văn bản của các bộ ngành và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành trước đó.

          Đối tượng áp dụng quy định này là người đi trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia, khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia). Danh sách người được phép nhập cảnh vào Việt Nam, bao gồm:

          Nhóm 1: Công dân Việt Nam và người nước ngoài là thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của công dân Việt Nam.

          Nhóm 2: Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, chuyên gia và thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) nhập cảnh vào Việt Nam ở, lưu trú từ 14 ngày trở lên; học sinh, sinh viên quốc tế.

          Nhóm 3: Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.

          Ngoài các đối tượng kể trên, các đối tượng khác sẽ do Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho phép.

          Theo dự thảo này, người nhập cảnh sẽ tự chi trả toàn bộ kinh phí cho các hoạt động đưa đón, cách ly tại khách sạn, xét nghiệm COVID-19. Riêng với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ (ở Việt Nam trên 14 ngày) thì được miễn phí xét nghiệm (trừ trường hợp yêu cầu cách ly tại khách sạn theo nguyện vọng).

          Dự kiến, trước khi nhập cảnh, đối với nhóm 1 (cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày), người nhập cảnh cần có hộ chiếu hợp lệ; có giấy chấp thuận nhập cảnh cấp sau ngày 21/3/2020 (đối với người nước ngoài) do cơ quan có thẩm quyền cấp; có giấy xác nhận (có ngôn ngữ tiếng Anh) âm tính với virus SARS-CoV-2 sử dụng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR/RT-LAMP… của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trước ngày khởi hành từ 3 đến 5 ngày;…

          Các cá nhân này phải thực hiện nghiêm các qui trình, hướng dẫn phòng, chống dịch theo qui định tại các nơi lưu, chuyển và phải đăng ký, có xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ đưa đón (hoá đơn đã thanh toán khách sạn nơi cách ly và dịch vụ đưa đón từ sân bay về nơi cách ly). Bên cạnh đó, phải thực hiện khai báo y tế điện tử trong vòng 12 giờ trước khi khởi hành, gửi bản chụp giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 tại địa chỉ tokhaiyte.vn và cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration và ứng dụng truy vết Bluezone.

          Tại khu vực cách ly tập trung, phải có quyết định cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung tại khách sạn; phối hợp với cán bộ y tế để lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 (lần 1 vào ngày thứ nhất tính từ ngày nhập cảnh); lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2 vào ngày thứ 14 kể từ khi được cách ly. Chỉ được rời khỏi khu cách ly nếu kết quả xét nghiệm lần cuối âm tính với virus SARS-CoV-2 và được cách ly tối thiểu 14 ngày; có giấy xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và có quyết định hoàn thành cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung tại khách sạn.

          Đối với nhóm 2, ngoài các điều kiện về cách ly tập trung, kết quả xét nghiệm, xác nhận tiếp nhận của cơ sở cách ly… phải có bảo hiểm y tế hoặc cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp mắc COVID-19 của cơ quan, tổ chức hoặc trường đào tạo (áp dụng với học sinh, sinh viên quốc tế) hoặc thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam.

          Đối với nhóm 3 (không thực hiện cách ly tập trung), người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ làm việc tại Việt Nam từ 14 ngày trở lên cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện nhập cảnh, cách ly y tế…

          Dự thảo cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, phân công cụ thể để tổ chức, quản lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn khi đón các hành khách trên chuyến bay thương mại.

Các điểm cầu tại 63 Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

          Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Viettel cũng hướng dẫn các đại biểu tại các điểm cầu sử dụng Hệ thống khai báo Y tế.

Nguồn: Bộ Y tế

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline
chat-active-icon